Phượt Đak Lak - Cẩm nang du lịch Đak Lak toàn tập

Blog phượt !Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc  là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Tỉnh Đắk Lắk được tái lập vào ngày 26 tháng 11 năm 2003, trên cơ sở tách tỉnh Đăk Lăk thành hai tỉnh mới là Đăk Lăk và Đăk Nông. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Giới thiệu về Đăk Lăk
Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột
Tỉnh Đắk Lắk (còn ghi theo tiếng Pháp là Darlac) được thành lập theo nghị định ngày 22 tháng 11 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương và tách khỏi Lào, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ. Trước đó, vào cuối thế kỷ 19, Darlac thuộc địa phận đại lý hành chính Kontum và bị Pháp nhập vào Lào.
Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 thì tỉnh này trở thành một đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập cùng ngày. Mãi đến ngày 2 tháng 7 năm 1923 tỉnh Đăk Lăk mới được thành lập lại. Lúc mới thành lập, Đắk Lắk chưa chia huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng (còn gọi là buôn), người Ê Đê có 151 làng, người Bih có 24 làng, người Gia Rai có 11 làng, người Krung có 28 làng, người M’dhur có 120 làng, người M’Nông có 117 làng, người Xiêm có 1 làng. Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk được chia làm 5 quận gồm có Ban Mê Thuột, Buôn Hồ, Đăk Song, Lăk và M’Đrăk, dưới có 440 làng.
Ngày 15 tháng 4 năm 1950, Bảo Đại ban hành Dụ số 6 đặt Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk, làm Hoàng triều Cương thổ, có quy chế cai trị riêng.
Nghị định số 356-BNV/HC/NĐ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 2 tháng 7 năm 1958 ấn định tỉnh Đắk Lắk (được ghi là Darlac) có 5 quận, 21 tổng và 77 xã. Trong đó, Quận Ban Mê Thuột có 4 tổng, Quận Lạc Thiện (đổi tên từ quận Lăk) có 7 tổng, Quận M’Đrak có 4 tổng, Quận Đak Song có 2 tổng và Quận Buôn Hồ có 4 tổng.

Hoa dã quỳ Tây Nguyên
Ngày 23 tháng 1 năm 1959, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 24/NV, tách gần như toàn bộ quận Đak Song của tỉnh Darlac, lập ra tỉnh Quảng Đức. Như vậy tỉnh Darlac còn lại 4 quận. Sau đó quận M’Đrak lại bị xé lẻ, một phần nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Tháng 12 năm 1960, Chính phủ cách mạng chính thức thành lập tỉnh Quảng Đức dựa trên sự phân chia ranh giới của chính quyền cũ, lấy mật danh là B4.
Ngày 20 tháng 12 năm 1963, lập thêm một quận mới tên là Phước An, quận lỵ đặt tại Phước Trạch, đến ngày 1 tháng 9 năm 1965 chuyển về Thuận Hiếu. Sau này lại bỏ cấp tổng, nên chỉ còn cấp quận (4 quận) và xã.
Tỉnh Đắk Lắk của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 hình thành từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam sau tỉnh Gia Lai – Kon Tum, gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 5 huyện là Krông Buk, Krông Pach (tức Krông Pak), Đăk Mil, Đăk Nông và Lăk. Tỉnh chỉ lớn nhất nước khi tỉnh Gia Lai – Kon Tum tách làm đôi, khi đó Đắk Lắk diện tích 19.800 km².

Thời điểm thích hợp đi du lịch đak lak ?
Hoa cafe 
Là cái nôi của văn hóa Tây Nguyên nên Đăk Lăk mang những nét đặc trưng rõ rệt nhất của vùng đất và con người nơi đây. Các bạn khi định đi du lịch Đăk Lăk thì chú ý một số mốc thời gian sau nhé :
  • Tây Nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa (từ tháng 5-11). Vào mùa mưa, đường xá đi lại khá khó khăn do có nhiều tuyến đường vẫn là đường đất. Mùa khô thường là những tháng đầu năm, lúc này thời tiết dịu mát, chưa quá nóng.
  • Tháng 12 dương lịch ở Tây Nguyên có nhiều lễ hội và là mùa dã quỳ nở vàng rực đất trời Tây Nguyên
  • Cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch là mùa hoa cafe nở trắng trời.
Phương tiện phượt Đăk Lăk

Máy bay
Hiện cả 3 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam là VietnamAirline, Jetstar Pacific và VietjetAir đều có đường bay từ 2 thành phố Hà Nội và Sài Gòn tới Buôn Ma Thuột. Có những thời điểm khuyến mại các bạn có thể mua được vé khứ hồi đi Buôn Ma Thuột với giá dưới 1000k. Thường xuyên kiểm tra thông tin trên website của các hãng để biết và nhanh tay đặt.
Xe khách 
Từ Hà Nội và Sài Gòn mỗi ngày đều có nhiều chuyến xe đi Buôn Ma Thuột và các huyện khác của tỉnh Đăk Lăk. Các bạn tham khảo bài viết dưới đây để có thông tin về nhà xe cũng như giờ xuất bến.

Khách sạn tại Đăk Lăk
Với 15 đơn vị hành chính tại Đăk Lăk hiện có hàng trăm cơ sở lưu trú đạt chất lượng và được đưa vào khai thác phục vụ cho du lịch. Riêng tại  Tp Buôn Ma Thuột đã có trên 100 khách sạn nhà nghỉ, chính vì vậy dù có vào mùa cao điểm thì số lượng các cơ sở lưu trú này cũng hoàn toàn đủ đáp ứng cho khách du lịch khi đến đây.

Địa điểm du lịch ở Đăk Lăk
Nằm trên tuyến quốc lộ 14, cách Sài Gòn gần 400km, Đăk Lăk là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, giàu tiềm năng du lịch sinh thái. Phong cảnh nơi đây là sự thể hiện hoà hợp giữa những dòng sông hoà hợp với đồi núi, ao hồ, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh tạo nên nhiều cảnh quan đẹp có tiếng như thác Bảy Nhánh, thác Krông Kmar, khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, Hồ Lăk, Hồ Ea Kao. Với hơn 40 dân tộc cùng sinh sống đã tạo cho Đăk Lăk một bản sắc văn hoá vô cùng phong phú. Hãy một lần đến với vùng đất “có cái nắng, có cái gió” để khám bức tranh Đăk Lăk hùng vĩ, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng.
Món ngon và các đặc sản của Đăk Lăk
Cà phê Đăk Lăk
Cà phê là một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất của Đăk Lăk. Bởi vậy, nó đã trở thành thứ đặc sản quý giá của vùng đất này. Những li cà phê đen, đặc quánh, ấm nóng trong một không gian đậm chất núi rừng Tây Nguyên đã gắn liền với tâm tưởng của mỗi người khi nói đến Đăk Lăk. Vì thế mà cho đến nay, ở Đăk Lăk đã có hàng trăm quán cà phê lớn nhỏ mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức cà phê cho tất cả mọi người. Nhiều vấn đề liên quan đến cà phê đã trở thành bản sắc văn hóa của nơi đây, đặc trưng nhất là văn hóa mời đi uống cà phê. Không những thế, cà phê chồn còn là một huyền thoại tạo nên một sức hấp dẫn kì lạ đối với người dân Tây Nguyên nói chung và người dân Đăk Lăk nói riêng.
Gà nướng Bản Đôn
Gà nướng Bản Đôn là một món ăn dân dã của đồng bào người dân tộc thiểu số tại chỗ nay đã trở thành món đặc sản không thể không thưởng thức với du khách khi đến với Bản Đôn.
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại tý rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Chú ý, sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước chứ không ướp cả xác, nước sả càng nhiều, thịt nướng càng thơm ngon.
Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Bếp than to nên một lần có thể nướng quay nhiều con, cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Gà nướng ở bản Đôn phải chấm với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn. Nếu ăn gà nướng kèm với cơm lam lại càng ngon hơn.
Ngoài những món ăn ngon được coi là đặc sản ở Đăk Lăk được nhắc đây các bạn có thể theo dõi thêm những món ngon lạ và đặc sắc khác tại Tp Buôn Ma Thuột qua bài viết :

Cơm lam Bản Đôn
Muốn làm được món cơm lam ngon không dễ. Đầu tiên là khâu chọn tre, nứa. Chọn ống tre đúng độ tuổi mới tạo ra hương vị thơm đặc biệt độc đáo của núi rừng. Muốn cơm lam ngon phải có loại nếp ngon, nhất là nếp được trồng trên rẫy. Gạo nếp vo sạch, ngâm nước vài giờ rồi vớt ra trộn một ít muối. Cho gạo vào ống tre, đổ thêm nước vừa đủ, dùng lá chuối nút lại. Có nhiều cách nấu: hấp trong nước, nướng, hay dựng ống quanh đống lửa. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ chế biến thì cơm chín. Đợi cho nguội, người dùng bóc lớp vỏ còn lại sẽ lộ ra cơm lam dẻo thơm được bao bọc bởi lớp vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa. Đơn giản thế nhưng rất độc đáo.
Cơm lam Bản Đôn được ăn kèm món gà thả vườn nướng lửa than rừng chính hiệu chấm muối ớt sả. Hương vị của món cơm lam và thịt gà hòa vào nhau làm cho ta có một cảm giác thật ưng ý. Nếu thích, bạn có thể thưởng thức rượu cần Y Miên tại chỗ. Ăn cơm lam, thịt gà ta, uống rượu cần hợp hơn bia hay các loại rượu khác. Ngồi tại Bản Đôn, vừa nhâm nhi các món đặc sản, vừa ngắm cảnh và nghe tiếng rì rầm của dòng Sêrêpok cuộn chảy giữa đại ngàn cao nguyên quả thật là một điều thú vị.

Cá lăng sông Serepok
Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Để có nồi lẩu thơm ngon, phải chọn những con cá Lăng khỏe, chắc thịt, ít xương và ngọt. Việc chế biến cá Lăng rất cầu kỳ, đòi hỏi tài nghệ và sự điêu luyện của người chế biến, bởi chỉ một sự thêm thắt tùy tiện cũng làm mất đi hương vị hấp dẫn của loài cá quý ấy. Cá lăng chỉ có một rẽ xương sống chạy dọc theo thân. Bởi vậy, chỉ cần dùng một con dao sắc, khía dọc theo hai bên thân sẽ những miếng thịt cá núc ních, dày cơm, tươi roi rói. Sau đó tẩm ướp gia vị gồm nước cốt của riềng, nghệ quyện với mẻ, mắm tôm, nước mắm trong khoảng 1 giờ.
Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.

Bơ sáp Đăk Lăk
Bơ là trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico. Nhờ ăn ngon và bổ nên nó đã được trồng và canh tác ở nhiều nơi trên trái đất, đặc biệt là Indonesia, Philippne, và Brazil. Ở Việt Nam ,bơ được trồng ở nhiều nơi trong cả nước nhưng nổi tiếng nhất vẩn là bơ sáp Tây Nguyên.Có thể Bơ ở đây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng đất đỏ bazan nên Bơ Tây Nguyên sớm trở thành món đặc sản vùng miền của vùng đất Cao Nguyên này .
Ngon nhất là giống bơ sáp được trồng ở Đăk Lăk , quả bơ to bên trong là lớp cùi bơ dầy dặn, vàng ươm, dẻo quánh.Nếu là lần đầu tiên thưởng thức, mới nếm thử bạn sẽ cảm thấy hình như bơ hơi nhạt. Nhưng rồi ngay sau đó, vị ngầy ngậy, thơm mát từ miếng bơ mềm lừ khiến bạn thấy thật ngon miệng. Chính cái vị thanh nhẹ, mát lành đó đã hấp dẫn người ăn, khiến người ta đâm “nghiện” thứ trái cây mộc mạc này

Các món ăn làm từ Cà đắng
Cà đắng là một loại cà dại, trước đây mọc hoang khắp các vùng rừng núi Tây Nguyên. Ngày nay, cà đắng đã được bà con dân tộc mang về trồng trong vườn nhà như một loại cây lương thực. Cà đắng ra trái quanh năm, trái cà đắng lớn hơn cà pháo, ruột có nhiều hạt, vị đắng rất đặc trưng, nơi cuống quả có nhiều gai nhọn. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, ăn cà đắng sẽ giúp cơ thể con người không bị thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương.
Cà đắng ăn sống hay nấu chín đều có những hương vị rất ngon và rất đặc trưng. Nếu muốn tận hưởng hết những hương vị đăng đắng đặc biệt của loại quả này, có thể ăn quả cà sống như một loại rau. Nhưng cà đắng nấu chín lại có những hương vị rất đặc trưng khi kết hợp với các loại thực phẩm khác. Đặc biệt, hai loại gia vị không thể thiếu khi chế biến món cà đắng chín là ớt và lá lốt xắt nhỏ.
Ngoài ra người dân Tây Nguyên còn chế biến các món như : Gỏi cà đắng, cà đắng nướng dằm ớt xanh, cà đắng om ếch đồng, cà đắng hầm chân giò heo, cà đắng nấu canh cá trích …

Măng nướng xào “vêch” bò
Đây là một món ăn đặc sản ở xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk. Một số người có thể không thích cái mùi của vêch (lòng phèo) bò, nên món này khá là khó nuốt, nhưng đã là người con của Ê Đê phải biết ăn vêch. Món vêch xào măng nướng chỉ dùng trong bữa ăn sáng, chiều của người dân. Nó có vị hơi đắng nơi đầu lưỡi của vêch bò, sau đó là vị ngọt thanh của măng rừng, vị cay của ớt. Măng có mùi vị rất thơm, không như măng luộc.
Mùa nào thức đấy, nhưng phải đợi mùa mưa, măng le rừng mọc mới nấu món đó được, chứ mua măng ở chợ nấu không ngon. Nếu phải làm để đãi khách thì có thể dùng tạm măng m’ô để nấu vêch bò. Tuy măng m’ô cũng mềm và ngọt nhưng món măng nướng này phải là măng alê mọc tự nhiên ở rừng mới ngọt thơm và dai, không bị nhão.
Để làm món ăn này, đầu tiên đặt những cây măng lên bếp lửa nướng trên lửa to, cho cháy lớp áo măng bên ngoài, rồi khơi than cho lửa liu riu, chờ măng chín, để nguội, bóc sạch sẽ áo măng, rửa lại rồi mới xắt nhỏ ra. Dùng vêch đã khô, cứng, vắt lấy chất dịch màu xanh đen hơi, đặc quánh trong đó ra chiếc chén con. Đặt chiếc chảo bự nhất lên bếp lửa cháy đỏ, giã nát một nắm củ nén và ớt chuột rồi rồi phi thơm, sau đó cho măng vào xào cho nóng, gia vị chỉ cần muối và mì chính là đủ. Món này phải cay mới ngon. Măng đã được nướng chín nên chỉ xào sơ qua cho nóng là có thể cho vêch vào chung. Trong khi xào phải đảo đều tay và liên tục để vêch không bị khô và dính vào đáy chảo.
Mùi thơm của vêch bò, củ nén, của măng nướng như mời gọi. Nhìn nồi măng nghi ngút khói mà nước miếng cứ chảy ra. Người không quen ăn cay có thể chảy cả nước mắt, nhưng nồi cơm gạo rẫy mới thơm thơm, hết bay lúc nào không biết.

Rượu cần
Trong bất cứ lễ, tết nào, đồng bào Tây Nguyên cũng đều có nghi thức uống rượu cần. Rượu, theo họ tin tưởng, là do Trời (Yang) sai thần linh xuống trần dạy cho con người cách làm rượu đủ loại: từ gạo, mì, bắp cho đến bo bo, kê…để tế lễ các đấng tối cao trong năm.
Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v… thì cũng làm theo cách trên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Phượt Xuyên Lục Địa © 2011 | Hãng hàng không quốc tế EVA AIR,Vé máy bay siêu rẻ KOREAN AIR and CEBU PACIFIC and CHINA AIRLINES